THỊ LANG TIẾN SỸ PHẠM TRI CHỈ LÀ NGƯỜI XÓM TƯỜNG VÂN - HÙNG TIẾN - VĨ

                                         THỊ LANG TIẾN SỸ PHẠM TRI CHỈ LÀ NGƯỜI XÓM TƯỜNG VÂN - HÙNG TIẾN - VĨNH BẢO HP
.
       Theo toàn bộ các sách của trung ương, cũng như bia đá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, thì Phạm Tri Chỉ (? - ?) người xã Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ. Nay là xóm Tường Vân, thôn Phương Tường, xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Sùng Khang thứ 3 (1568) đời vua Mạc Mậu Hợp. Sau khi đỗ đại khoa, ông làm quan Thái giám (võ quan) trong triều Mạc và sau quy thuận nhà Lê Trịnh (1592 - 1788), làm quan tới chức Thị lang. Khoa thi Mậu Thìn này triều đình nhà Mạc lấy 17 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 1 Thám hoa, 5 Hoàng giáp, 12 Tiến sỹ và không lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn.
       Trong đó trang 26 sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo” Nhà Xuất bản Hải Phòng năm 2018 ghi: Phạm Tri Chỉ, người làng Áng Ngoại, xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo Hải Phòng.
       Tại sao các sách xuất bản tại Trung ương chỉ ghi ông là người xã (làng) Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ, trấn Hải Dương. Còn một số sách tại Hải Phòng lại ghi ông là người thôn Tường Vân, xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, hay thôn Áng Ngoại xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Chúng tôi có thể giải thích sơ lược như sau:
       Vào thời nhà Mạc (1527 – 1592), thì làng Bắc Tạ (tổng Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ) gồm 3 giáp (xóm) là Cốc Thượng (khu vực Phương Tường), Cốc Hạ (khu vực nhà thờ Dom) và Cốc Tân (khu vực đình Bắc Tạ ngày nay). Vào thời Lê Mạt, thì có thêm giáp (xóm) nữa là Áng Ngoại (盎外), có nghĩa là xóm Ngoài. Đến thời Lê – Nguyễn, thì giáp Cốc Thượng và giáp Áng Ngoại trở thành đơn vị hành chính cấp xã (làng) mang tên Tường Vân (祥雲) thuộc tổng Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Đến đầu thế kỷ XX, thì giáp Áng Ngoại mới trở thành đơn vị hành chính cấp xã, tức làng với 25 hộ dân trở lên thuộc tổng Bắc Tạ, huyện Vĩnh Bảo. Như vậy từ một làng Bắc Tạ thời Mạc đến đầu thế kỷ XX đã trở thành 3 đơn vị hành chính cấp làng là Bắc Tạ, Tường Vân và Áng Ngoại. Vào thời cách mạng (sau 1945), thì làng Ích Dương (益陽) và làng Áng Ngoại (盎外) của tổng Bắc Tạ cũ được cắt về xã Trung Lập, thuộc huyện Vĩnh Bảo.
       Quay ngược bánh xe thời gian!
       Nho sinh Phạm Tri Chỉ xuất thân từ một gia đình rất nghèo khó làm nghề mõ tại giáp Cốc Thượng, xã Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ, nay thuộc khu vực đền Thái Giám, thôn Phương Tường, xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Còn hậu duệ họ Phạm của ông sau này di cư sang giáp Áng Ngoại kế bên, nay thuộc xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Vì thế họ Phạm ở Áng Ngoại mới nhận Phạm Tri Chỉ là người làng Áng Ngoại, xã Trung Lập là vậy. Còn thực tế phải ở xóm Tường Vân, thôn Phương Tường xã Hùng Tiến kế bên mới chính xác.

Bia công đức đền Thái giám thôn Phương Tường xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, HP


       Rồi không biết vì lý do gì, đền Thái giám ở làng Phương Tường ngày nay lại thờ một vị khác là Hoàng giáp Nguyễn Bá Tòng và bia công đức ghi “Đền Thái giám thờ thần học đệ nhị giáp tiến sỹ Nguyễn Bá Tòng khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502).
       Tôi có hỏi lại người Phụ trách ban quản lý đền Thái giám Lê Xuân Trường và cho biết:
- Chúng em nông dân biết gì đâu. Tên Hoàng giáp Nguyễn Bá Tòng là do nhà sử học làng em cho và hôm khánh thành có rất nhiều người từ Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng về dự.
- Hoàng giáp Nguyễn Bá Tòng, quê ở làng Tạ Xá cơ mà? Tôi nói.
- Đúng, ông quê làng Tạ Xá, huyện Tứ Kỳ? Phụ trách đền Thái Giám nói.
- Anh có biết Tạ Xá ở đâu không? Tôi hỏi.
- Em không biết.
- Tạ Xá, tên Nôm là Tè, nay thuộc xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Tôi nói
       Thật buồn Thị lang Tiến sỹ quê mình thì không nhận, lại đi nhận vơ Tiến sỹ Nho học ở địa phương khác, thật nực cười?
.

                                               THI NGỌC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin liên quan

Đối tác

Len dau trang
© Copyright © 2018 . All rights reserved